Hôm nay mình chia sẻ tiếp về chi phí học nha khoa Hoa Kỳ, tuy nhiên thông tin của mình chỉ đúng cho CUDenver – nếu các bạn muốn tìm về từng trường cụ thể xin truy cập website của trường vì các trường rất minh bạch về vấn đề này. Đa phần các bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ tốt nghiệp với một khoản nợ khổng lồ, trung bình là khoảng 200 ngàn đô la và không hiếm người nợ lên tới nửa tỷ đô. Vậy thì sinh viên nha khoa phải chi trả những gì trong quá trình học của mình?
Khoản tiền khổng lồ nhất là tiền học phí đóng cho trường. Đối với chương trình ISP thì tuition không có gì khác biệt giữa resident/ non-resident. Khi mình nhập học, tuition cho 1 năm là khoảng 75 ngàn. Chủ trương của trường là cố gắng giữ mức học phí tương đối ổn định, không tăng quá nhiều như nhũng trường khác – tuy nhiên hiện nay mình vừa vào đọc thông tin thì tuition 1 năm đã là 81 ngàn và sẽ tăng dần một chút mỗi năm. Đối với chương trình bình thường, trường áp dụng mức học phí khác nhau cho sinh viên thuộc tiểu bang Colorado và sinh viên từ các bang khác tới. Mức học phí cho sinh viên sinh sống tại CO là khoảng 36 ngàn trong khi sinh viên ngoài tiểu bang là 61 ngàn. Như vậy, tuition 2 năm của sinh viên ISP bằng tuition 4 năm hay hơn của một số sinh viên của chương trình thường.
Ngoài khoản tiền tuition luôn được trường trừ trực tiếp, sinh viên chịu trách nhiệm trả thêm nhiều khoản tiền khác. Ở CO mình phải trả tiền mượn dụng cụ khoảng $7000 mỗi năm, tức gần $15000 cho 2 năm. Vừa rồi khi tốt nghiệp mình phải trả lại gần hết dụng cụ đã dùng trong 2 năm (trường cho lại một số dụng cụ làm quà tốt nghiệp) và staff kiểm tra rất kỹ lưỡng. Staff ở CO rất dễ thương nên đa phần họ xí xoá cho qua nếu không mất dụng cụ quá đắt tiền. Trường cũng có chính sách là nếu list dụng cụ mất tổng cộng khoảng $200 thì trường cho luôn không charge tiền. Tuy nhiên dụng cụ ở đây không chỉ là dụng cụ học trong lab mà tính luôn cả dụng cụ mình check out khi làm bệnh nhân nên đôi khi xui nhiều hơn hên. Anh bạn mình mất nguyên một khay dụng cụ để trám răng mà khay đó gồm hơn 20 món lớn nhỏ. Mình may mắn chỉ mất một kềm tháo mão nên được cho qua.
Khoản tiền mua sách cũng là một gánh nặng cho sinh viên. Tất cả sinh viên bắt buộc phải mua các đầu sách giống nhau và bởi số lượng sách quá lớn – 48 cuốn sách – nên nhà trường dùng ebook toàn bộ. Vậy cho nên mình có muốn tiết kiệm mua sách cũ cũng không được. Điều hay là với ebook, sinh viên sẽ luôn được update bản mới nhất cho đến khi tốt nghiệp thì sẽ không được update nữa nhưng vẫn có thể đọc sách được. Tiền sách tổng cộng là $5200 chia ra làm 4 kỳ đóng tiền. Ngay từ lúc orientation trường đã dành một buổi để hướng dẫn sinh viên tạo tài khoản trên vitalsource và download sách – do đó không có khả năng download sách lậu đâu nha.
Mình không biết các trường khác thì sao nhưng sinh viên truờng mình được yêu cầu bắt buộc phải dùng macbook với cấu hình nhất định. Không phải là dùng macbook cho sang mà xét về an ninh thì macbook rất đáng tin cậy. Như mình có viết trước đây về luật HIPAA – luật bảo mật thông tinh bệnh nhân – trường không tin cậy các hãng máy tính khác về độ bảo mật khi laptop của sinh viên thường chứa bao la hình ảnh, thông tin cũng như phần mềm truy cập hệ thống clinic của trường. Hơn nữa laptop giống y như tính mạng của sinh viên vậy, laptop hư là không học hành được, không book lịch bệnh nhân được nên chỉ có apple với các chính sách bảnh hành của hãng là được tin tưởng. Do vậy mình phải trả thêm hơn $1000 cho 1 cái laptop mới huhu.
Loupes là vật bất ly thân với sinh viên nha khoa. Trong tuần orientation, trường dành một buổi để khoảng 4,5 công ty nha khoa đến giới thiệu về sản phẩm kính loupes của công ty mình để sinh viên có thể lựa chọn. Do kính loupes được cá nhân hoá tối đa, mỗi sinh viên sau khi lựa chọn hãng kính sẽ được nhân viên hãng đo đạc các chỉ số cụ thể như tiêu cự, khoảng cách từ mắt sinh viên cho đến đầu bệnh nhân. Loupes thì có nhiều mức giá. Theo như mình đọc thì loupes khoảng từ $500 trở lên mới dùng được. Tuy nhiên trường yêu cầu mua loupes khoảng $1500 thì mới đủ chất luợng. Mình chọn loupes của Q-optics giá hình như $1200 và trả thêm mấy trăm đô nữa cho đèn đi kèm với loupes. Ưu điểm của Q-optics là họ có removable lens cho nên mình có thể dùng contact lens hoặc kính tuỳ thích. Hơn nữa kính của họ thuộc nhóm rẻ nhất. Bạn mình mua kính loại có thể chỉnh kính phóng đại từ 3x-5x – loại này khoảng $3000. Đợt orientation mình cứ nhìn tiền lũ lượt ra đi mỗi ngày, xót lắm mà không biết làm sao.
Ngoài ra chi phí ăn ở, bảo hiểm, xe cộ,… cũng khá cao. Chất lượng sống ở CO cũng khá cao nhưng tất nhiên không bằng New York hay California. Mình thuê căn hộ 2 phòng ngủ 2 phòng tắm là gần $1.800/ tháng. Mình share với một người bạn nên mất khoảng $900/tháng kèm thêm tiền điện, nước, rác, internet… thêm khoảng $100. Theo như trường tính toán thì mỗi sinh viên cần khoảng 24ngàn một năm cho các chi phí này.
Khoản tiền lớn cuối cùng là tiền thi board. Ở Mỹ có khoảng vài board mà sinh viên có thể lựa chọn – phổ biến nhất là WREB, ADEX, CRDTS, và OSCE. Mình trả $3000 cho WREB chỉ để đăng kí thi chứ chưa tính các chi phí khác. Mình mua lại typodont cũ để tiết kiệm chi phí vì một bộ mới cũng cả $300. Tuy nhiên răng để thực tập thì bắt buộc phải mua mới. Một cái răng nội nha trung bình $20 tuỳ răng trước hay sau. So với việc đóng tiền thi lại nếu rớt, mình thà mua nhiều răng về thực tập cho chắc ăn. Do vậy mình tiếp tục chi thêm hơn $500 cho phần chuẩn bị thi rồi chi thêm cho bệnh nhân board của mình mỗi người $100 kèm theo các chi phí không tên khác.
…còn tiếp…
Kết nối với mình tại https://www.facebook.com/ddsjourney/ nha <3
Bạn có thể click vào Phần 1 để đọc.