Hôm nay có chút thời gian rảnh rỗi, mình quyết định viết thêm về vấn đề xin license ở Mỹ cho dễ hiểu hơn với các bạn ở Việt Nam. Ở Mỹ, việc cấp license là việc của từng tiểu bang – ví dụ như mình đã có license ở Washington State nhưng một ngày đẹp trời nào đó mình muốn chuyển qua Texas ở thì sẽ phải xin license của Texas. Mặc dù mỗi tiểu bang có requirements khác nhau cho license (ví dụ như phải qua kỳ thi đạo đức, có chứng chỉ học về HIV, hoàn tất 1 năm sau đại hoc,…) nhìn chung họ đều đòi 3 items cơ bản như sau:
1) Thi đậu NBDE Part 1 &2 – và tương lai thì INBDE từ năm 2020
2) Tốt nghiệp từ 1 trường nha khoa Hoa Kỳ/Canada
3) Thi đậu "kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề"
Thi đậu NBDE
Item này tương đối đơn giản và là bước cơ bản nhất mà bác sỹ nước ngoài nào cũng phải đạt được, bởi đây là điều kiện bắt buộc để nộp đơn vô Advance Standing Program của bất cứ trường nha khoa nào. Để thi NDBE, bạn phải nộp đơn qua ADA. Không hề có yêu cầu nào về greencard hay quốc tịch để thi kỳ thi này. Mình đăng ký thi năm 2014 và bay qua Mỹ thi bằng visa du lịch. Trước khi đăng ký thi, bạn sẽ phải đăng ký ADA để lấy số DENTPIN. Số này giống như 1 dạng CMND nhưng dùng cho nha khoa và con số này là con số đi theo bạn cả đời (nếu bạn đi theo con đường nha khoa). Họ sẽ yêu cầu bạn khai các thông tin cá nhân cũng như nộp bằng tốt nghiệp tại home country để chứng minh bạn thật sự là 1 bác sỹ nha khoa. Sau khi có DENTPIN, bạn sẽ được quyền apply để thi NBDE. Đối với sinh viên Mỹ thì họ sẽ thi Part 1 vào cuối năm 1 và Part 2 vào năm 3. Chi phí cho kỳ thi Part 1 (thông tin năm 2018) là $425, kèm thêm $210 cho international dentists vì họ phải thêm công đoạn tra cứu thông tin. Chi phí cho kỳ thi Part 2 là $475 cộng thêm $210. Bắt đầu từ tháng 8/2020, họ sẽ chuyển sang format mới là INBDE. Để biết sự khác nhau giữa 2 format, vui lòng click vào link để đọc thêm.
Tốt nghiệp từ 1 trường nha khoa Hoa Kỳ/Canada
Ở Mỹ có những tổ chức chuyên đi đánh giá các trường từ lớn đến nhỏ. Việc mở trường học ở Mỹ khá dễ dàng, nhưng chỉ trường nào qua được yêu cầu khắc khe của các tổ chức này thì bằng cấp của họ mới có giá trị (vài năm trước nhiều du học sinh Việt Nam bị lừa cho đi học ở các trường không được công nhận). Tổ chức này trong nha khoa gọi là CODA - Commission on Dental Accreditation.
Ở Việt Nam có sự nhầm lẫn về việc các trường trong nước có được “công nhận” hay không. Tất nhiên là họ có công nhận các trường này, do đó khi chúng ta nộp bằng tốt nghiệp lên ADA mới được công nhận là foreign dentist và cho phép chúng ta học thêm 2 năm để đủ điều kiện xin license thay vì học lại từ đầu mất 4 năm. Tuy nhiên các trường nước ngoài này không phải là CODA-accredited schools. Để được xin license, bạn phải tốt nghiệp từ 1 CODA-accredited dental schools. Để tìm hiểu thêm chương trình học 2 năm ở Colorado mà mình đã học, xin click vào link.
Đậu "kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề" Mỹ
Đây lại là 1 nhầm lẫn khái niệm khác ở Việt Nam. Khi mình thi đậu kỳ thi này vào tháng 8, nhiều bạn đã hỏi mình là mình thi xong rồi thì có phải đi học nữa không, thi đậu rồi thì có license, được đi làm luôn hả. Thật ra ở Mỹ, sinh viên được thi kỳ thi này từ trước khi tốt nghiệp để đến khi tốt nghiệp rồi thi được apply cho license ngay không phải chờ đợi. Kỳ thi này ở Mỹ không gọi là “license exam” mà gọi là Board exam, và là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời bác sĩ Mỹ. Kỳ thi này khó bởi đây là kỳ thi lâm sàng chứ không phải là lý thuyết như NBDE nữa và vì nó liên quan đến bệnh nhân nên mức độ khó và stress cực kỳ cao. Hầu như sinh viên, bác sĩ nào cũng sụt mất vài ký khi chuẩn bị thi. Do thi đậu board là cửa ải cuối cùng để apply cho license (thi trong vài tháng cuối trước khi tốt nghiệp nên coi như chắc chắn tốt nghiệp rồi), nên khi các sinh viên thi đậu xong board thì coi như chắc chắn có tiền đồ. Vậy kỳ thi này chính xác là như thế nào?
Về cơ bản, có 5 board exam mà sinh viên có thể lựa chọn, mỗi board exam này có hình thức hơi khác 1 chút và location/time cũng khác nhau. Nhiệm vụ của sinh viên là phải tìm hiểu xem tiểu bang mà mình muốn ở và làm việc chấp nhận board nào. Một số bang như Washington State nhận tất cả các board trong khi Maryland, Florida,… chỉ nhận 2 board mà thôi. Ví dụ như nếu mình thi WREB, mình có thể xin license ở Washington state, California, Colorado… nhưng nếu mình di chuyển qua bờ Đông nước Mỹ để ở thì mình sẽ phải thi board lại. Các tổ chức này sẽ phối hợp với các trường để mượn clinic cho kỳ thi board, và cứ mỗi tháng họ lại thi 1 lần nhưng ở các trường khác nhau. Tuỳ theo sinh viên tốt nghiệp vào thời điểm nào trong năm mà lựa chọn thi ở đâu. Tất nhiên nếu được thi ở trường mình là tốt nhất vì đã quen với đường đi lối về của clinic và quan trọng nhất là không phải mua vé máy bay và hotel cho bệnh nhân. Bạn mình có gia đình ở Maryland nên phải thi kỳ thi ADEX mà trường mình thi không có kỳ thi này, do đó phải bay qua New York để thi đem theo 2 bệnh nhân qua đó – bao tiền vé và ăn ở. Các bạn khác thì thích nắng ấm vùng nhiệt đới nên bay qua Florida thi vào tháng sau đó.
Tại sao phải đem bệnh nhân theo với mình mà không tìm bệnh nhân ngay tại nơi thi cho tiện? Ai thi board ở Mỹ sẽ hiểu, bệnh nhân board quý như vàng và cưng chiều như trông con mọn. Bệnh nhân nhất thiết phải có bệnh (sâu răng hoặc nha chu) nhưng không được quá nhẹ, cũng không quá nặng. Bệnh nhân cũng không đuợc có các vấn đề nặng khác (bênh nhân nha chu đủ chuẩn nhưng có răng sâu sát tuỷ chẳng hạn) hoặc các bệnh nặng về sức khoẻ kiểu như cao huyết áp không kiểm soát (nhỡ đâu đang thi bệnh nhân huyết áp lên cao phải đi cấp cứu thì sao 😅) Nếu thi tại chỗ, bệnh nhân chỉ cần nghỉ 1-2 ngày làm việc (thường thi thứ 6, thứ 7) nên sẽ dễ tìm bệnh nhân hơn, và nếu bệnh nhân bất ngờ không đến ngày đó thì cũng có thể tìm được backup. Nếu thi ở bang khác và muốn tìm bệnh nhân ở đó, làm sao để bạn có phim xray, screen bệnh nhân về các vấn đề răng miệng, sức khoẻ, khám xem bệnh nhân có “qualified” cho board exam không, nói chuyện với bệnh nhân về ngày thi… là 1 chuyện rất khó.
Chi tiết kỳ thi như thế nào thì… xin đợi sang tuần sau sẽ viết tiếp 😊