Ở post trước mình đã giới thiệu về kỳ thi board của nha sỹ Mỹ, hôm nay mình sẽ phân tích kỹ hơn về kỳ thi này để mọi người hiểu rõ hơn. Nếu các bạn chưa đọc post trước, xin click link để hiểu thêm mối liên hệ giữa kỳ thi board và license nha sỹ.
Thông thường việc chuẩn bị cho kỳ thi board diễn ra vài tháng trước kỳ thi. Mình chọn thi board vào tháng 8 bởi lý do chính là vì mình sợ… rớt. Mình tốt nghiệp vào tháng 12 và theo như mình tính toán thì nếu rớt đợt tháng 8, mình có thể thi lại vào tháng 11 – như vậy thì mình vẫn có thể pass board trước khi tốt nghiệp (thí sinh phải chờ 3 tháng mới được thi lại). Từ tháng 1, 2 nhà trường đã bắt đầu họp sinh viên lại để phổ biến thông tin và khoảng tháng 5 là bắt đầu tất bật chuẩn bị. Mình thật sự không nghĩ được là lại có nhiều việc đến như thế, từ những việc chính như chọn ngày screen bệnh nhân, mời thầy cô trợ giúp, soạn thảo flyers, phân chia công việc trong lớp, liên hệ staff để chuẩn bị dụng cụ, phim cho buổi screen… cho đến những công việc không tên khác.
Screen bệnh nhân là công việc quan trọng nhất để tìm đủ bệnh nhân cho cả lớp – vì vậy việc tự giác của mỗi thành viên là vô cùng quan trọng. Mình may mắn lớp mình rất đoàn kết nên mọi người tự động đi khắp nơi để tìm bệnh nhân – từ chia nhau đi các nhà thờ, đền thờ cho đến các siêu thị hay các event cuối tuần. Mỗi người tự chịu trách nhiệm in hàng trăm flyers đi khắp nơi cũng như đóng góp để dịch thành nhiều thứ tiếng từ tiếng Việt, tiếng hoa, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Arab… Các sinh viên có nhiều bạn bè ở Denver thì kêu gọi bạn bè đến screen để tìm bệnh nhân, tất nhiên họ sẽ được ưu tiên nhận bệnh nhân trực tiếp và khi đủ bệnh nhân thì họ đều chuyển bệnh nhân lại cho các bạn khác trong lớp. Bản thân mình cũng may mắn được chuyển 1 bệnh nhân sâu răng vào phút cuối vì bệnh nhân kia của mình không đạt chuẩn (sâu quá nhỏ). Vào ngày thi, có một vài bạn không thấy bệnh nhân xuất hiện, thế là cả lớp ai có bệnh nhân sơ-cua thì gọi mời ngay lập tức khiến mình hết sức cảm động và tự hào về lớp mình.
Các kỳ thi board thường có format hơi khác nhau một chút, nhưng tựu chung lại thì đều gồm có các phần cơ bản như thi Operative (xoang II là chính, xoang III tuỳ board quy định), Perio (Scaling and Root Planing một phần tư hàm), Endo (một răng cửa, một răng cối), và Pros (1 mão răng và 1 cầu răng). Đa phần Operative và Perio là bắt buộc, còn Endo và Pros thì tuỳ từng bang quy định. Do đó trước khi thi, sinh viên/bác sĩ phải gọi điện thoại trực tiếp lên bang mình muốn làm việc để xác nhận là có cần Endo và Pros không để đăng ký cho đúng. Operative và Perio sẽ thi với bệnh nhân thật còn Endo và Pros sẽ thi trên typodont ở lab. Mình chỉ thi 1 board duy nhất là WREB nên mình sẽ chỉ viết về WREB thôi, tuy nhiên các board khác sẽ tương đối giống như vậy.
The website where I bought teeth to practice for board
Trước khi thi khoảng vài tuần, thí sinh sẽ biết được mã số của mình và mình thuộc nhóm nào. Tuỳ theo nhóm mà mình sẽ thi phần nào trước. Mình nhóm C nên thi Operative buổi sáng, Pros buổi chiều ngày thứ nhất và thi Endo buổi sáng, thi Perio buổi chiều ngày thứ hai. Mỗi board có các giáo viên được certified để chấm thi. Khi thi tại trường nào thì giáo viên trường đó không canh thi và cũng không chấm thi để đảm bảo công bằng. Giữa khu vực thi và khu vực chấm điểm cũng không được thấy mặt nhau. Trong lúc thi, ở những bước cần chấm điểm trước khi thực hiện bước kế tiếp (ví dụ chấm điểm tạo xoang trước rồi mới trám tiếp) thì thí sinh sẽ gửi bệnh nhân lên lầu trên để chấm điểm – bệnh nhân sẽ có mã số là mã số của thí sinh. Sau khi bệnh nhân gặp giám khảo xong thì sẽ quay xuống lầu dưới để gặp thí sinh và tiếp tục procedure.
Thi Perio, Endo, Pros thì tương đối dễ hiểu, chỉ có thi Operative là phức tạp nhất. Khi thi, thí sinh phải tạo một xoang trám lý tưởng – open contact với răng kế bên, các thành ngoài, trong và bờ nướu phải cách răng kế bên đúng 0.5mm… sau đó nếu còn sâu răng, thí sinh sẽ phải xin phép giám thị coi thi được mài thêm (gọi là modification với công thức – modify external/ internal, mở thêm ở đâu, bao nhiêu – thường là xin thêm 0.5mm, vì lý do gì – còn sâu, demineralized dentin,…) Nếu giám thị thấy yêu cầu hợp lý sẽ cho phép, còn nếu không hợp lý thì không được phép làm và sẽ bị trừ điểm. Sau khi tạo xoang xong và cảm thấy chắc chắn đã đạt yêu cầu thì mình sẽ gởi bệnh nhân đi chấm điểm. Nếu giám khảo kiểm tra thấy còn sâu, hoặc còn demineralized dentin thì sẽ chấm rớt môn Operative. Đến phần trám răng cũng có những yêu cầu hết sức khắc khe riêng.
Đối với thi Perio thì rất đơn giản. Giám khảo chấm thi nếu phát hiện còn sót 1 miếng vôi thì trừ 0.5 điểm, sót 2 miếng thì trừ 1 điểm, còn sót 3 miếng thì rớt. Thi Endo trên răng typodont có hệ thống ống tuỷ và thi 2 răng – răng cửa và răng cối lớn. Đối với răng cối lớn thì chỉ cần mở tuỷ đủ để thấy cả 4 ống tuỷ, nếu mở hẹp quá hoặc rộng quá thì đương nhiên bị trừ điểm. Đối với răng cửa thì làm từ A đến Z bao gồm mở tuỷ, tạo dạng ống tuỷ và obt ống tuỷ. Thi Pros thì thường sẽ mài 1 răng cửa cho mão toàn sứ và mài cẩu răng sau cho mão kim loại.
Sau 2 ngày thi, kết quả sẽ có rất sớm do điểm thi đã có sẵn sau từng phần thi. Nếu rớt 1 trong 4 môn thì thí sinh chỉ cần thi lại một môn đó trong đợt thi sau (tại 1 trường khác) nếu rớt 2 trong 4 môn thì thí sinh phải thi lại toàn bộ 4 môn. Chỉ cần thí sinh thi đậu board thì coi như chắc chắn có license vì chắc chắn các điều kiện còn lại đều thoả mãn (đậu part 1,2 và tốt nghiệp từ 1 trường nha khoa của Mỹ).
Kỳ thi board là kỳ thi quyết định trong sự nghiệp của một nha sĩ Mỹ, do đó áp lực của kỳ thi là không hề nhỏ. Ai cũng đều muốn mọi việc hoàn hảo nhất có thể và hoàn thành tốt đẹp để tự tin tốt nghiệp. Có những bạn trong lớp mình không chỉ thi 1 board mà thi 2 hoặc 3 board – đa phần là các du học sinh không có người nhà ở Mỹ nên họ sẽ đi bất cứ bang nào có job offer tốt nhất mà đậu nhiều board thì cơ hội việc làm sẽ càng cao hơn. Vậy thì international dentist kiếm việc khó hay dễ và liệu họ có gặp vấn đề kỳ thị hay không? Đó sẽ là chủ đề chính của post sau ^^