Học phí trường nha ở Việt Nam có lẽ thuộc nhóm rẻ nhất thế giới. Dụng cụ học tập, sách vở bạn có thể chọn mua sách cũ cũng được, dụng cụ thì mua đồ rẻ rẻ thôi. Bảo hiểm y tế cũng rẻ, vài trăm ngàn không có yêu cầu cao. Ai cũng biết học phí ngành Y ở Mỹ là một nỗi niềm trăn trở ngay cả với người bản xứ. Mình đọc đâu đó có người nói, học Y ở Mỹ một là cực giàu, hai là cực giỏi để được học bổng. Vậy câu nói này đúng hay sai?
Thứ nhất, ai vào được trường Y/Nha/Dược đều giỏi, nhưng có được một ghế đã là may mắn bao nhiêu người mơ ước, đâu dám mơ đến một học bổng. Không ít thí sinh được nhiều trường gọi cùng một lúc, nhưng mình chưa từng nghe ai được trường cho học bổng bán phần hay toàn phần. Học bổng trong trường Y/Nha/Dược có không? Có, nhưng học bổng chỉ khoảng 1,2 ngàn đô, không thấm vào đâu so với hàng trăm ngàn đô tiền nợ. Thế cho nên, vế 2 chỉ đúng 1 phần “giỏi” mà thôi.
Thứ hai, ai học Y cũng hầu như có 1 hậu phương nhất định, dù là người bản xứ hay không. Mình có đứa bạn may mắn được người nhà cho vay tiền học hoàn toàn, không cần mượn ngân hàng hay trả lãi. Tuy nhiên số lượng này đếm trên đầu ngón tay. Tìm được người nhà có mấy trăm ngàn trong ngân hàng khó, được họ cho vay còn khó hơn vì thông thường đã có chừng ấy tiền thì họ sẽ đầu tư chứ không để không bao giờ. Số còn lại chủ yếu là vay mượn ngân hàng hoặc nhà nước. Vấn đề vay mượn bên này khá phức tạp, đủ loại đủ kiểu, rắc rối cho cả người bản xứ nên mình chỉ nói những gì mình hiểu theo kiểu đơn giản nhất. Sau này hiểu biết thêm, nếu có dịp mình sẽ chia sẻ.
Nếu có quốc tịch hoặc thẻ xanh, bạn sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì được mượn từ nhà nước. Tiền mượn từ nhà nước vẫn phải trả lãi như thường nhưng thường thì lãi thấp hơn một chút. Hơn nữa trong vài trường hợp nếu bạn trả đúng hạn, đủ số năm và thêm vài điều kiện khác, bạn có thể được chính phủ xoá số nợ còn lại. Ngoài ra bạn không cần gia đình bảo kê a.k.a cosigner nên trên giấy tờ, gia đình bạn không mang khoản nợ đó và nếu chẳng may điều gì xảy đến khiến bạn không trả nợ được, gia đình không phải trả thay. Nếu xét kỹ hơn, một số bang không có trường nha như New Mexico chẳng hạn, sẵn sàng cho hẳn $100.000 tiền học nếu bạn ký vào hợp đồng sẽ về làm việc tại bang sau khi học nha sĩ tại bang khác. Như vậy các sinh viên này xem như giảm được một khoản lớn số nợ.
Nếu không có thẻ xanh, đa phần sinh viên chỉ có cách là vay ngân hàng. Trường không yêu cầu bạn phải vay từ ngân hàng Mỹ, bạn có thể vay từ ngân hàng ở Việt Nam hoặc có người thân cho vay như trường hợp bạn mình, miễn là đủ tiền đóng học. Để vay ngân hàng Mỹ, bạn nhất định có người bảo lãnh hay cosigner. Người này có thể là bất kỳ ai – gia đình, bạn bè, người quen. Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn lòng đứng tên cho bạn bởi số tiền quá lớn bằng cả căn nhà và trên giấy tờ người đó sẽ nợ khoản tiền này trong vài năm cho đến khi bạn đủ điều kiện để bỏ tên họ ra khỏi khoản nợ ( sau khi bạn đã trả tiền đúng hạn được 6 tháng hay 1 năm gì đó). Ngoài ra không phải ai sẵn lòng cho bạn mượn tên cũng đủ điều kiện cho bạn mượn tên. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngân hàng sẽ xem xét người này có đủ uy tín và khả năng đứng ra bảo đảm cho bạn hay không. Để đánh giá điều này họ dựa trên một số tiêu chí như điểm credit score phải tốt (*), có tài sản, có công việc ổn định, mức lương chấp nhận được so với số tiền muốn vay… Do đó muốn học được bạn phải có hậu phương giúp đỡ.
(*) Bạn có điểm credit score khi bạn bắt đầu dùng credit card. Điểm này giống như điểm uy tín, nếu bạn dùng thẻ để mua sắm, sau đó luôn trả nợ tiền thẻ đúng hạn, bạn sẽ có điểm cao.
Đi học là một khoản đầu tư đường dài luôn sinh lãi
...Sau đây là câu chuyện của mình, bạn nào bận rộn thì đọc khúc trên là đủ rồi hehe...
Năm 2015 khi mình được nhận học, trường sẽ yêu cầu đóng một khoản deposit để chứng minh là mình sẽ đi học tại trường, phòng trường hợp thí sinh được nhiều hơn 1 trường nhận rồi trường nào cũng nói yes đến cuối cùng lại không đi học thì mất cơ hội của người khác. Tất nhiên khoản tiền này sẽ tính vào học phí sau này. Ngày nhận thư phải đóng 4000 đô mình sốc kinh khủng. Ngày đó mẹ mình còn vất vả (giờ vẫn vậy nhưng đỡ hơn chút, nhất là về tinh thần vì mình sắp xong), làm lương thì ba cọc ba đồng. Khoản tiền mình dùng trong suốt quá trình học hành thi cử đã là kha khá. Thế nhưng chuyện cần làm thì phải làm thôi, chẵng lẽ không đóng tiền thì coi như mình từ chối không đi học. Hỏi mượn tiền từ bác, cô, chú, cousin mới đóng được xong khoản này mà lòng thì nơm nớp lo lỡ cuối cùng không mxượn được tiền, không đi học được thì mất 4000. Đóng xong thì lo vay tiền ngân hàng khắp nơi. Mẹ mình bảo đây là chuyện quan trọng nhất, vì ngân hàng không cho vay thì mẹ cũng không lo nổi. Ở Mỹ này, nợ tiền học là một vấn nạn. Người ta đi học có khi vay có 20.000 mà trả vài năm cũng không hết, tháng nào cũng khổ sở vì nợ, nên bây giờ phải vay cả hơn 100.000 thì ngân hàng làm khó là chuyện dễ hiểu. Đúng như dự đoán, mình vay từ 3 ngân hàng và không nơi nào cho vay. Thời điểm này mẹ mình có việc làm ổn định nhưng làm tư và lương chỉ đủ sống. Mình bổ sung thêm 1 cosigner nữa để income tăng lên nhưng cũng không được. Ngày mình viết thư gửi đến trường xin hoãn học 1 năm, trong đầu mình tự hỏi tại sao lại bất công đến vậy, đã đi đến đây rồi mà phải bỏ cuộc. Mình về lại VN trong tâm trạng bất mãn chưa từng thấy (lúc này qua Mỹ phỏng vấn xong vẫn chưa về). Mình bỏ hết chẳng học hành gì nữa.
Qua năm sau, mình tự nhủ không được nữa thì thôi mình chấp nhận số phận, nhưng cũng phải thử một lần nữa vì chỉ được bảo lưu 1 năm nên đây là cơ hội cuối. Vậy hên sao lại được. Tất nhiên trong 1 năm này nhà mình cũng có biến đổi. Mẹ mình đi làm chỗ mới, lương có cao hơn nhưng chỉ 1 chút, quan trọng đây là bệnh viện quân đội nên đảm bảo hơn. Thứ hai là mẹ mình mua được nhà dù hoàn toàn là vay tiền ngân hàng để mua nhà. Sau này mình mới biết, ở Mỹ, bạn nợ bao nhiêu không quan trọng bằng bạn sở hữu bao nhiêu. Một người không nợ gì nhưng không sở hữu gì thì không có giá trị bằng một người sở hữu nhà, nợ mấy trăm ngàn nhưng trả nợ đều đặn. Và đó là khởi đầu cho mọi câu chuyện sau này…
To be continue...