Hôm nọ có một bạn hỏi mình về học TOEFL như thế nào để đạt 100 điểm. Thiết nghĩ đây là bước đầu tiên trên hành trình vạn dặm nên khá quan trọng, vì vậy mình viết bài này hy vọng truyền thêm cảm hứng cho các bạn.
Tại sao phải đạt TOEFL 100đ? Vì đây là điều kiện đầu tiên để nộp đơn xin vào chương trình. Hầu như tất cả các trường nha có chương trình Advance Standing Program đều yêu cầu tối thiểu 94đ mới được nộp đơn, tuy nhiên dưới 100đ có rất ít cơ hội được gọi phỏng vấn. Tất cả các chương trình ASP đều là fast-paced program và bạn sẽ bắt đầu điều trị bệnh nhân chỉ vài tháng sau khi bắt đầu học. Ở CUDenver, bọn mình nhập học vào tháng 1, bắt đầu lên lâm sàng điều trị lẫn nhau vào tháng 3 và khoảng tháng 4,5 là bắt đầu điều trị bệnh nhân. Bởi vì nhịp độ quá nhanh nên bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không giao tiếp được, hơn nữa đây không phải là giao tiếp thông thường mà là giao tiếp chuyên môn giưã bạn và các bác sĩ khác, giữa bạn và thầy cô và quan trọng hơn là giữa bạn và bệnh nhân. Trường không có thời gian để chờ bạn học tiếng anh nên đương nhiên giao tiếp tốt là điều kiện đầu tiên cần có. Fact: 99.9% candidate nộp đơn xin vào trường đều có TOEFL từ 100 đến 120. Trung bình lớp mình là 109.
TOEFL 100 điểm tuy khó nhưng không phải impossible. Vậy mình đã học như thế nào? Trước hết xin hiểu rằng TOEFL là kỳ thi đánh giá kỹ năng. Nó không giống thi toán lý hoá nơi bạn học gì thì thi ra cái đó. Càng không giống thi văn sử điạ ở VN khi bạn có thể không hiểu gì nhưng nếu thuộc lòng thì vẫn đạt điểm cao. Thi kỹ năng đại loại như thi masterchef vậy, bạn chưa bao giờ nấu món đó, nhưng vì kỹ năng bạn tốt, bạn có thể dự đoán được cho bao nhiêu mắm muối thì vừa, hay nên cho thêm gì vào cho món ăn thơm hơn, bắt mắt hơn. Vậy làm sao để rèn kỹ năng? Cách duy nhất là nấu hàng ngày, nấu đủ thứ món chay mặn ngọt, nấu cả món Âu món Á để đề thi như thế nào thì cũng biết làm, có thể không đạt 10 thì cũng đạt 8. TOEFL cũng vậy, học trung tâm nào không quan trọng, học sách nào cũng không quan trọng nếu bạn không “sống” với nó hàng ngày và không tự luyện tập cho kỹ năng của mình tiến bộ lên.
Khi mình bắt đầu tìm hiểu về TOEFL, mình thi xếp lớp thử ở 1 trung tâm được gần 70đ. Điểm viết của mình không quá tệ, it´ nhất không quá sai lỗi ngữ pháp dù cách diễn đạt còn vụng. Điểm đọc cũng ổn vì mình thích đọc sách và đã tập đọc sách tiếng anh từ trước. Nhưng điểm nghe và nói cuả mình thì ôi thôi là tệ. Lúc đó nhìn điểm nói được đúng 13đ/30 mà cảm thấy nhục nhã với bản thân vì xưa giờ mình cũng gọi là tương đối khá av. Đó là năm cuối trường nha. Tốt nghiệp đại học mình quyết tâm học lại tiếng anh cho đàng hoàng. Lúc đó có trường CIE mở khoá học tiếng anh fulltime sáng chiều từ thứ 2 đến thứ 6 luôn để chuẩn bị cho các bạn đi du học. Học xong 1 khoá thì… hết tiền nhưng vì nói tiếng anh hàng ngày nên nhờ đó mình cảm thấy tự tin hơn. Đó là năm 2011. Sau đó là khoảng thời gian đi làm kiếm tiền để học anh văn. Không đi học được nên mình cố gắng mỗi ngày đọc báo tiếng anh. Đọc tin kinh tế chính trị xã hội thì không hiểu gì rồi, chỉ có đọc tin ngôi sao điện ảnh ca nhạc thì hiểu. Kệ đọc gì cũng được, quan trọng là hình thành thoí quen đọc tiếng anh cái đã. Rồi mình nghe nhạc tiếng anh mỗi ngày, không nghe nhạc tiếng việt. Coi tv chỉ coi kênh tiếng anh, rất ít coi kênh tiếng việt. Như vậy coi như luyện được 2 kỹ năng đọc và nghe. Đọc tốt, nghe tốt thì tự nhiên kỹ năng viết cũng khá lên nên mình tự nhủ chỉ cần tìm cách luyện thêm kỹ năng nói. Mình lên mạng, cũng xin tham gia các group chat này nọ để được nói tiếng anh. Lúc đó thèm nói tiếng anh lắm nên có cơ hội nào là chớp lấy. Lúc rảnh thì tự đọc to các đoạn văn và tự chỉnh phát âm của mình với trợ giúp của từ điển và google. Cứ đọc được một thời gian như vậy thì từ từ thấy miệng mình nó dẻo hơn 1 chút, nghe thuận tai hơn 1 chút.
Năm 2013, lúc này trong nhà có chuyện buồn, mình không còn gì ràng buộc với cuộc sống ở VN nên mình quyết tâm đầu tư vào việc học. Mình thi xếp lớp lần nữa được 90đ. Vậy là coi như sau 1.5 năm tự mày mò học mình tăng được hơn 20đ. Khi đó lên mạng đọc, mình thấy mọi người nói tăng lên đến 90đ thì dễ, chỉ cần luyện hàng ngày, trau dồi hàng ngày. Đọan đường từ 90 lên 100 mới là đoạn đường khó nhất. Ví như từ người không biết nấu ăn thành biết nấu ăn thì dễ, còn từ nấu ăn thành đầu bếp rồi bếp trưởng thì đòi hỏi rất nhiều công sức. Biết là vậy nên mình tự nhủ trước khi đi Mỹ thì thi thử 1 lần để biết mình đang đứng ở đâu, đạt điểm càng cao càng tốt sau này qua Mỹ định cư thì may ra mới lên được 100đ. Mình học 2 tháng ở Yola thì lại hết tiền học :D nhưng quan trọng nhất là sau khoá học mình nghĩ ra thêm được cách để tự luyện ở nhà. Phần nói vẫn là phần mình sợ nhất. Mình lên youtube lúc này mới phát hiện trên youtube và internet có nhiều clip câu hỏi mẫu theo kiểu TOEFL. Mình tìm tất cả các clip đó, tự timing canh thời gian 15s suy nghĩ, 45s trả lời như thi thật. Đến khi hết câu hỏi thì mình tự đặt câu hỏi cho mình luôn. Lái xe trên đường đến lúc dừng đèn đỏ thì hỏi vu vơ kiểu “Which color do you like more, red or green?” Đi ăn sáng cũng tự hỏi vu vư “Which one you like more, pho or banh mi?” Nghĩ lại khoảng thời gian đó chắc người xung quanh sợ mình lắm. Nhờ như vậy đến khi thi thật, đầu óc mình đã quen với việc suy nghĩ nhanh, tìm các lời giải thích đơn giản, dễ hiểu. Kỹ năng đọc thì mình vẫn duy trì đọc ha`ng ngày. Kỹ năng viết thì mình cũng tìm topic trên mạng rồi viết hàng ngày. Lúc đi học có lần cô giáo nói giám khảo thường chấm điểm cao nếu dùng idiom hay quotation hay những từ phức tạp. Thế là mình học từ vựng hàng ngày. Các bạn có thể tìm từ vựng hay dùng cho TOEFL trên mạng rất nhiều. Ngoài ra mình cố gắng học thuộc lòng các idiom hay quotation ngắn, dễ nhớ và dùng được cho nhiều hoàn cảnh. Ví dụ như câu “A child educated only at school is an uneducated child.” Câu này có thể dùng cho nhiều topic kiểu TOEFL như “có nên khuyến khích thêm hoạt động ngoại khoá hay không”, “có nên xây thêm trung tâm thể thao ở trường hay không”, hay “ vai trò của bố mẹ trong việc học hành của con cái”… Nhờ vậy mà điểm viết của mình được 28đ lúc thi thật và tổng điểm của mình là 104đ, vượt quá sức mong đợi. Đó là cuối năm 2013.
Tóm gọn lại, mình nhấn mạnh vài điểm như sau:
- Trên 100 là hoàn toàn có thể
- Cố gắng rèn luyện từng kỹ năng – điều này cần thời gian dài chứ không phải cứ học vẹt một vài khóa rồi đi thi.
- Tìm hiểu thêm trên mạng - có rất nhiều lời khuyên hữu ích, nên tự chọn lọc cách học. nào hợp với mình
- Có goal cụ thể, không có đích nhắm rất khó để hy sinh thời gian vui thú bên bạn bè mà cắm đầu vào học.
(Mình hằng ngày đều mở website của trường mình muốn vào, đọc mòn website rồi tưởng tượng đến ngày mình đủ điều kiện để nộp đơn. Nhờ vậy mà vượt qua được thời gian 4 năm gian khổ. Mình còn download hình một người bạn trong ngày tốt nghiệp nha sĩ Mỹ làm hình nền điện thọai nữa cơ. Nói chung là thời gian đó lăn lộn dữ lắm :D )